Giá đá phong thủy ở trời Tây chỉ bằng 1/5 giá đá ở Việt Nam
Người viết bài đã ghé thăm cuộc triển lãm triển lãm đá khoáng vật Mineral Expo ba lần trong ba năm liên tiếp, và muốn đưa một cái nhìn đúng đắn hơn về giá trị đích thực của những loại đá “phong thủy” đang được tiêu thụ với giá ngất trời tại Việt Nam.
Ở Việt Nam, "đá phong thủy” là một trong những từ khóa được tìm kiếm rất nhiều. Vì mang theo ý nghĩa tâm linh, với niềm tin sẽ mang lại may mắn, tài lộc mà các loại đá này được bán với giá rất cao, thậm chí cao hơn giá trị thật rất nhiều. Thị trường ở Việt Nam đang sôi nổi với các loại đá bán quý phổ biến như là thạch anh, mắt hổ, aventurine, tourmaline… và thậm chí những loại đá do người bán “tự đặt tên ra” (ví dụ như… “đá hồ ly”!).
Giá trị thật của các loại đá ấy như thế nào? Giá bán ở thị trường nước khác ra sao? Cuộc triển lãm đá khoáng vật Mineral Expo tổ chức thường niên tại thủ đô Vác-xa-va, Ba Lan, quy tụ 400 nhà cung trên toàn thế giới có thể giúp bạn đọc tìm hiểu và so sánh.
Đây là cuộc triển lãm có tuổi đời hơn 25 năm, tổ chức tại mặt bằng rộng 8000 mét vuông ngay tại cung Văn Hóa và Khoa Học Vác-xa-va, thu hút gần 20 nghìn lượt khách toàn thế giới mỗi năm. Tại đây có các công ty lớn nhất trong ngành trang sức, đá quý, kim hoàn…, triển lãm và bày bán các loại khoáng vật, đá bán quý, đá quý, mẫu vật hóa thạch. Triển lãm nhận được nhiều lời khen của đại sứ các nước ở Ba Lan, giới chuyên môn cũng như báo chí.
Người viết bài đã ghé thăm cuộc triển lãm này ba lần trong ba năm liên tiếp, và muốn đưa một cái nhìn đúng đắn hơn về giá trị đích thực của những loại đá “phong thủy” đang được tiêu thụ với giá ngất trời tại Việt Nam.
* Tỉ giá đồng Ba Lan – Việt Nam: 1 PLN = 5591 VNĐ (tại ngày 12/03/2017)
Thạch anh hồng – mặc áo “đá quý” tại Việt Nam
Đầu tiên phải kể đến thạch anh hồng được mệnh danh là “đá của tình yêu”. Thạch anh là một khoáng vật rất phổ biến trên thế giới, công thức hóa học là SiO2 (silic đi-ô-xít), giá trị thấp, thường được dùng để trang trí, sưu tầm… Thạch anh hồng có màu từ hồng nhạt đến hồng sậm tùy thuộc vào hàm lượng titan, sắt và măng-ga bên trong, được coi là đá bán quý.
Nguồn đá đẹp nhất phải kể đến thạch anh hồng Brazil hay Madagasscar. Do mang yếu tố tâm linh nên ở Việt Nam, một chiếc vòng thạch anh hồng 18 hạt được bán với giá từ 200 – 400 ngàn, nếu được chế tác thành khối cầu hoặc hình dạng khác thì giá cả còn đắt hơn. Nhưng tại triển lãm ở Ba Lan, thạch anh hồng được bán với giá từ 9 – 30 PLN (tương đương với khoảng 50 – 180 nghìn VNĐ).
Bàn về đá chế tác hoặc mài bóng làm trang sức, thạch anh hồng ở Việt Nam được bán với giá cao ngất ngưởng:
Một cửa hàng bán online ở Việt Nam: Một chú cú mèo thạch anh hồng được bán với giá lên tới 680.000 VNĐ.
Tại Ba Lan: Một rổ hình các loài vật được chế tác từ nhiều loại đá (thạch anh hồng, aventurine, lapis, thạch anh trắng, rhodonite, vân vân), tất cả đều đồng giá 9 PLN (khoàng 50-55.000 VNĐ). Trên tay là một chú rùa làm bằng thạch anh hồng.
Đây là loại đá phong thủy được nhắc nhiều thứ hai tại thị trường Việt Nam với giá bán không dưới 300.000 VNĐ một sản phẩm.
Tại Việt Nam:
Một mặt dây chuyền chế tác đơn giản đã có giá gần 400 nghìn đăng trên một website bán hàng.
Hốc thạch anh tím nặng 4,8 kg ở Việt Nam bán với giá hơn 4 triệu đồng.
Tại Ba Lan:
Một nhà cung cấp bán mặt vòng chế tác dạng hoa hồng tinh vi, phức tạp hơn, với giá 25 PLN (khoảng 150.000 VNĐ)
Hốc thạch anh tím gần 19,8 kg ở Ba Lan được một nhà cung bán với giá khoảng 7,5 triệu VNĐ.
Đá mắt hổ - "chảy nước mắt" vì chỉ bằng 1/5 giá ở Việt Nam
Mắt hổ là khoáng vật cũng có công thức hóa học là SiO2. Màu sắc tự nhiên của đá mắt hổ là vàng và vàng nâu. Phần lớn các loại đá mắt hổ đỏ, xanh lá cây, xanh nước biển thường đã được qua xử lý nhiệt để đạt được hiệu ứng màu sắc.
Tại Việt Nam, không khó để tra Google nhằm xác thực giá bán của đá mắt hổ, một chiếc vòng tay 8 ly đặt trên kệ với giá từ 300-500 ngàn. Tuy nhiên, tại Ba Lan, người mua cũng… không khó để tùy ý “tìm bới” trong giỏ hàng cho mình một chiếc vòng làm từ nhiều loại đá, trong đó có cả mắt hổ chất đẹp với giá đồng loạt 15 PLN tức gần 90 nghìn VNĐ.
Tới đây, bạn đọc hoàn toàn có thể tự tra cứu giá bán tại Việt Nam và so sánh với một số loại đá sau:
Ngoài ra, có thể mua lẻ các chuỗi dây dài khoảng 30-40 cm. Trong hình là đá Garnet (thạch lựu) với giá khoảng 260 ngàn VNĐ. Được biết, tại thị trường Việt Nam một chuỗi 18 hạt có thể lên tới 600.000 VNĐ.
Ruby in Zoisit hay còn gọi là Anyolite, ở Việt Nam đôi khi được gọi là “gốc ruby” hay “ruby non”. Đây là loại tinh thể kết hợp có chứa ruby lẫn zoisite, được khai thác nhiều ở Ấn Độ và Tanzania, độ hiếm: phổ biến. Vì có lẽ có chứa ruby và ít người biết, nên ở Việt Nam một chiếc vòng tay được bán với giá từ 1 triệu đến 4 triệu!
Còn tại Ba Lan, 32-40 PLN (180-240 nghìn VNĐ) cho một chuỗi dài khoảng 30-40 cm là một mức giá phổ biến.
Phong thủy hay niềm tin mù quáng?
Nhiều người cho rằng, do mang yếu tố phong thủy, tâm linh nên các loại đá này được bán với giá trên trời, mặc dù chúng còn không được xếp hạng “đá quý”, mà chỉ là “đá bán quý” trở xuống. Điều ấy không chính xác. Tại các nước Phương Tây, chúng cũng được sử dụng cho mục đích tâm linh, ví dụ như ngồi thiền, hàn gắn luân xa, thanh tẩy năng lượng xấu, mang lại binh an và may mắn… Tuy nhiên, không vì niềm tin mù quáng mà những viên đá ấy được bán với giá đắt gấp năm, gấp mười giá trị thực của nó. Trong khi nhiều người Việt Nam tỏ ra giữ gìn, nâng niu thái quá khi mua được một chiếc vòng đá ưng ý, thì tại các nước Phương Tây, học sinh cấp một, cấp hai từ sớm đã sưu tầm các loại đá này về để giải trí hay nghiên cứu.
Cũng nhiều người nói rằng do vận chuyển nên giá cả mới cao như thế. Điều này càng không đúng vì ở Việt Nam có khá nhiều các mỏ đá, ví dụ mỏ đá thạch anh ở Yên Bái, Đà Nẵng. Tại châu Âu, các loại đá kể trên cũng được nhập rất nhiều từ Ấn Độ, Madagascar… nhưng giá bán vẫn rất hợp lý.
Phân biệt đá thật và giả
* Lưu ý, đây chỉ là cách phân biệt ở mức rất sơ đẳng.
Đá thạch anh tự nhiên khi sờ vào sẽ có cảm giác mát lạnh. Thạch anh có độ cứng trên thang Mohs là 7/10 nên sẽ làm xước, nứt, vỡ thủy tinh khi cọ vào. Về màu sắc, thạch anh có vân nứt tự nhiên, màu sắc không đồng đều, đôi khi pha lẫn nhiều tạp chất.
Hiện tại các loại đá thạch anh phi tự nhiên có thể được tạo và chế tác như sau:
• Chế tác trong phòng thí nghiệm: Nếu nói đây là đá “giả” thì không chính xác. Đá nhân tạo thường khá khó phân biệt với thạch anh tự nhiên vì cấu trúc, thành phần của chúng giống nhau, chỉ khác rằng trong phòng thí nghiệm, đá được tạo ra trong vòng vài giờ, vài ngày thay vì hàng nghìn năm. Về cơ bản, đá nhân tạo có màu sắc rất đều, không có tạp chất.
• Đá xử lý nhiệt, nhuộm màu: nếu đá có màu quá đều, quá sang, thậm chí hơi “chóe” thì có thể là đá qua xử lý màu.
• Đá giả: nếu bên trong có bọt bong bóng nhỏ thì đây là thủy tinh.
Và quan trọng nhất, nếu trông nó quá hoàn hảo thì phải cân nhắc ngay!
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, hiện đang du học thạc sĩ chuyên ngành Tài chính tại Ba Lan.
Theo Trí Thức Trẻ