Kim tự tháp ai cập được xây dựng bằng đá khối như thế nào?
Một giả định mới chứng minh thành tựu xây dựng kim tự tháp của người Ai Cập cổ đại không hề dựa vào "người ngoài hành tinh".
Kim tự tháp là tên gọi của một dạng công trình kiến trúc có mặt tại nhiều nền văn minh trên thế giới. Tuy nhiên, những kim tự tháp ở Ai Cập là đối tượng thường hay được nhắc đến nhất.
Từ bao đời nay, những bí ẩn của kim tự tháp hùng vĩ ở Ai Cập vẫn làm đau đầu các nhà khoa học. Chỉ với kỹ thuật thô sơ nhưng làm cách nào mà người Ai Cập cổ lại có thể xây dựng những công trình lớn đến như vậy? Phải chăng họ có sự trợ giúp của người ngoài hành tinh? - đó là những câu hỏi mà các nhà khoa học vẫn cố miệt mài đi tìm lời giải.
|
Mặc dù những bí mật về Ai Cập cổ đại dần được các nhà khoa học bóc tách nhưng vẫn tồn tại một bí ẩn lớn về việc xây dựng kim tự tháp của nền văn minh cổ xưa này. Về cấu trúc, kim tự tháp được xây nên từ hàng vạn khối đá lớn, mỗi khối có cân nặng tới hàng tấn.
Trong nhiều thế kỷ, kim tự tháp Kheops (hay còn gọi là Giza) là công trình nhân tạo lớn nhất trên thế giới.
Vậy bằng cách nào người Ai Cập có thể vận chuyển những khối đá này từ những mỏ đá xa xôi về xây dựng kim tự tháp? Đặc biệt, những sa mạc nóng bỏng của Ai Cập càng khiến cho việc vận chuyển chúng trở nên khó khăn bội phần.
Thử tưởng tượng đầu tiên bạn kéo một vật nặng trên đất bằng. Sau đó, bạn sẽ kéo vật đó nhưng trên một nền bằng cát. Khi bạn kéo vật đó đi, cát sẽ đùn lên phía trước đường đi của vật cần vận chuyển.
Những “chướng ngại vật” cực kì khó chịu này liên tục được hình thành và khiến bạn phải mất một lượng sức lớn hơn rất nhiều so với việc kéo trên đất bằng. Mà tại Ai Cập cổ, trừ vùng thung lũng hẹp của sông Nile, toàn bộ đất nước là hoang mạc.
Thế nhưng bí ẩn đó đã tìm được lời giải đáp. Theo Physical Review Letters, một nhóm các nhà vật lý ở ĐH Amsterdam (Hà Lan) mới đây tuyên bố, họ đã khám phá bí mật này. Để vận chuyển những vật có tải trọng lớn trên sa mạc, người Ai Cập đã sử dụng một tuyệt chiêu ít người ngờ đến - nước.
Các bạn hãy cùng theo dõi bức hình sau, vốn là tranh tường trên nền mộ vua Djehutihotep (thuộc vương triều thứ 12 của Ai Cập cổ, sống cách nay 3.900 năm). Bức tranh mô tả một đội thợ đông đảo đang kéo một bức tượng lớn. Bây giờ bạn hãy chú ý vào một người thợ ở chân của bức tượng. Anh ta đang đổ nước xuống lớp cát bên dưới.
Các nhà vật lý tại ĐH Amsterdam đã tiến hành thử nghiệm kéo vật nặng trên cát. Họ nhận thấy, nếu một lượng nước được đổ xuống, cát sẽ kết dính và không bị đùn lên trước vật bị kéo.
Kết quả là lực ma-sát giảm xuống và đồng thời lực kéo cần thiết giảm xuống còn 50%. Điều đó có nghĩa là ta chỉ cần một nửa số người ban đầu để kéo vật chuyển động mà thôi.
Xưa nay, các nhà Ai Cập học thường cho rằng việc đổ nước trong bức họa cổ chỉ là một nghi thức tôn giáo. Nhưng giáo sư Daniel Bonn tại ĐH Amsterdam vẫn tin rằng, đây chính là bí mật của việc xây dựng kim tự tháp. Bằng những nghiên cứu khoa học cụ thể, ông và các cộng sự đã chứng minh được điều này.
Mặc dù vẫn còn những hoài nghi, nhưng việc sử dụng nước để làm giảm sự khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu xây kim tự tháp là hoàn toàn có thể đã xảy ra tại Ai Cập cổ đại. Đây là một công nghệ hết sức “dễ làm”, đồng thời những bức bích họa cổ cũng là một bằng chứng khá chắc chắn ủng hộ giả thuyết này.