Tường đá Thành nhà Hồ lại sạt lở
Nhiều vị trí tường đá của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ bị sạt lở do tác động của mưa bão. Tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án tu sửa với kinh phí gần 15 tỷ đồng.
Theo thống kê của Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, đoạn sạt lở có chiều dài 6,9 m, cao 4 m, khối lượng đất đá ước tính khoảng 20 m3. Nguyên nhân ban đầu được xác định là mưa lũ xảy ra những năm qua. |
Điểm sạt lở có nhiều khối lượng đá lớn tràn xuống dưới, chắn ngang con đường bê tông cạnh chân thành. |
Sau khi đo vẽ hiện trạng, Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã lắp biển cảnh báo nguy hiểm đề nghị người dân và du khách hạn chế đi lại, tham quan ở khu vực này. |
Dọc tường thành phía bắc có hàng chục điểm lâm vào tình trạng tương tự. Đơn vị quản lý không thể cấm tuyệt đối việc qua lại khu vực nguy hiểm vì người dân địa phương vẫn được phép cày cấy trên những thửa ruộng trong Thành nhà Hồ đã được chính quyền cấp trước đó. |
Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho hay trước đây bức tường phía bắc từng được trùng tu một số lần. Tuy nhiên, các khối đá mới và cũ không ăn khớp với nhau do giải pháp không triệt để. |
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án trùng tu, sửa chữa cấp thiết đoạn tường thành sạt lở với kinh phí gần 15 tỷ đồng bằng vốn ngân sách. Dự kiến, việc tu sửa hoàn thành vào năm 2022. |
Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thế giới Thành nhà Hồ, cho biết đơn vị đã lên phương án tổ chức thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng công trình và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đối với đoạn tường thành sạt lở. |
Để đảm bảo tính nguyên mẫu của di sản, đá xây thành sẽ được thi công theo mẫu đá nguyên gốc (phải thí nghiệm thành phần lý hóa). Nhóm thợ sẽ gia công đá khối lớn, đục bằng phương pháp thủ công, hoàn thiện bề mặt cho giống với đá Thành nhà Hồ nguyên bản. Hình dáng viên đá phải đồng bộ, khi xếp chồng khít với các viên khác để không bị lệch, hở mạch. |
Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397. Đây là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Nơi đây từng được xem là kinh đô, trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. |
Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. Trong đó, công trình đồ sộ nhất và còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay là Hoàng thành. Theo chính sử, thành được xây dựng chỉ trong 3 tháng, thể hiện trình độ rất cao về kỹ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên. Ngày 27/6/2011, Thành nhà Hồ chính thức được Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liêp Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. |
Vị trí thành nhà Hồ. Ảnh: Google Maps. |